Wednesday, October 22, 2008

Ngồi thẳng lưng, tránh đau vùng thắt lưng hông

Người làm nghề thường phải ngồi lâu như thợ may, thợ sửa xe, nhân viên văn phòng... dễ bị đau ở chính giữa cột sống, lan sang bên cạnh, xuống 1 bên mông và chân. Nếu nặng thì khi ho và hắt hơi cũng đau nhói ở lưng.

Căn nguyên chính của bệnh đau lưng là do đĩa đệm ở giữa hai đốt xương sống bị lòi ra phía sau, đè vào các rễ thần kinh ở phía sau gây ra đau. (Ảnh tư liệu: Nguyễn Hữu Công)

Căn nguyên chính của bệnh là do đĩa đệm ở giữa hai đốt xương sống bị lòi ra phía sau, đè vào các rễ thần kinh ở phía sau gây ra đau. Các rễ thần kinh này tạo thành dây thần kinh tọa chạy xuống mông và chân.

Do vậy gốc bệnh là đĩa đệm ở lưng, nhưng gây đau thần kinh tọa. Còn các nguyên nhân gây đau khác như mọc gai, gai đôi, "hóa vôi"... chỉ là phụ. Mục đích điều trị là dùng thuốc, kết hợp với nghỉ ngơi và kéo dãn cột sống... có thể làm cho đĩa đệm thôi chèn ép vào rễ thần kinh, do vậy giảm đau.

Khi đang bị đau cấp tính cần điều trị bằng thuốc chích hoặc uống (do bác sỹ chỉ định), ngoài ra nên nghỉ ngơi một thời gian. Tốt nhất là nằm nghỉ trên giường ván cứng (có thể lót một lớp đệm mỏng, không nên nằm trên giường có đệm dầy), tránh đi lại và làm việc, nhất là các việc có liên quan với thể lực và cúi gập lưng.

Khi ngồi lâu, nên ngồi thẳng lưng, tránh ngồi cúi còng lưng kéo dài
Điều trị đau thắt lưng hông cấp tính bằng thuốc một cách tích cực, kèm nghỉ ngơi tối đa, sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. Nếu sau 2 - 4 tuần điều trị tích cực mà đau không đỡ, hoặc đỡ rất ít, ngừng thuốc là lại đau nhiều, thì cần phải xem xét việc phẫu thuật tại bệnh viện.

Ngồi thẳng lưng: Cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Nếu đã khỏi bệnh, nên nhớ là bệnh rất có thể sẽ tái phát về sau. Do vậy cần tập luyện đúng cách, có chế độ sinh hoạt và làm việc đúng đắn để phòng tránh được các đợt đau tái phát. Nên giữ cho tư thế người cân bằng khi ngồi và khi làm việc. Hai vai giữ cho cân đối, tránh lệch vẹo người sang một bên kéo dài.

Khi ngồi lâu, nên ngồi thẳng lưng, tránh ngồi cúi còng lưng kéo dài (thợ may, thợ sửa xe, nhân viên văn phòng...). Nếu ngồi dựa lưng trên ghế sa lông, nên có một gối nhỏ đệm sau lưng. Nếu công việc bắt buộc phải ngồi lâu, nên kê bàn ghế sao cho có thể ngồi làm việc ở tư thế thẳng lưng.

Tránh mang vác nặng, khi buộc lòng phải mang vác một vật nặng, nên lưu ý sao cho 2 vai bằng nhau, không lệch vẹo người. Đặc biệt tránh tư thế đứng và cúi gập lưng xuống để bê một vật nặng lên.

Nếu buộc lòng phải bê một vật nặng ở dưới đất lên, thì ngồi hẳn xuống, dùng hai tay ôm vật đó vào gần người, giữ thẳng lưng khi đứng dậy.

Nhiều người bị tái phát do cúi xuống để bê chậu nước hoặc chậu quần áo mới giặt, hoặc bế con nhỏ lên. Nếu buộc lòng phải bê một vật nặng ở dưới đất lên, thì ngồi hẳn xuống, dùng hai tay ôm vật đó vào gần người, giữ thẳng lưng khi đứng dậy. Tư thế cúi gập lưng để bê vác và kéo đẩy một vật nặng, là tư thế không tốt, dễ làm cho bệnh tái phát.

Khi tập thể thao, nên nhớ có một số môn thể thao không thật có lợi cho cột sống. Không nên tập chạy bộ, nhất là khi chạy bằng giày có đế cứng và chạy trên nền cứng như đường nhựa, xi măng, sàn nhà).

Không nên nhảy nhót nhiều trong lúc tập luyện (ví dụ chơi bóng chuyền, quần vợt, bóng đá, tập thể dục nhịp điệu...). Không được tập tạ. Nhưng có thể tập bơi, hoặc tập tạ tay và kéo lò xo ở tư thế nằm. Có thể tập cúi gập lưng, nhưng tập từ từ, đừng cúi gập nhanh đột ngột và đứng ưỡn thẳng lưng nhanh đột ngột.


Sinh hoạt vợ chồng bình thường, tránh các động tác gây co cột sống mạnh. Ăn uống bình thường, không có kiêng khem gì đặc biệt. Một số người sau khi uống nhiều bia rượu thì bị đau nhiều hơn.

Tự kéo dãn cột sống: Dễ dàng

Việc đi xe (xe đạp, xe máy, xe ô tô) trên đường xóc, nhiều ổ gà là có hại cho cột sống. Khi đi lại bằng phương tiện, nói chung nên tránh rung xóc. Ngồi trên xe nên thẳng lưng, đừng ngồi còng lưng kéo dài. Khi đi xe máy đường xa về, nên kéo dãn cột sống ngay.

Tập luyện để tự kéo dãn cột sống một cách đơn giản: treo người lơ lửng bằng cách chống 2 tay trên 2 cạnh bàn, hoặc bám 2 tay trên xà đơn, đồng thời thả lỏng các bắp thịt dọc hai bên cột sống lưng, có thể lúc lắc chân sang hai bên hoặc ra trước - sau. Nếu thư giãn các bắp thịt được hoàn toàn, thì sức nặng của mông và chân sẽ kéo cột sống thắt lưng dãn ra.


Một ngày có thể nhiều lần, mỗi lần chỉ cần vài phút, có thể làm ngay trong khi đang làm việc hoặc sau khi đi xe máy hoặc ô tô đường dài. Có thể hiểu nôm na là cột sống đã bị "chùng lại" gây đau, nay ta phải làm cho nó giãn ra.

Tập luyện các bắp thịt ở bụng và hai bên hông: nằm ngửa, giơ chân cao trên mặt giường, giữ 1-2 phút rồi thôi, lặp đi lặp lại nhiều lần vào buổi tối hoặc sáng sớm. Nằm nghiêng và cũng nâng hai chân cao trên mặt giường như vậy.

Nên nhớ, sau khi bệnh đã qua giai đoạn cấp tính, thì chế độ làm việc - sinh hoạt đúng đắn; kết hợp với tập luyện kéo dãn cột sống còn quan trọng hơn là dùng thuốc.

  • TS. Nguyễn Hữu Công - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Y tế TP.HCM
(St từ www.vnn.vn)

Mụn trứng cá

Đơn vị nang lông tuyến bả

Mụn trứng cá là một bệnh da với nhiều biểu hiện: mụn đầu đen hay đầu trắng (do tắc nghẽn lỗ chân lông), mụn mủ và những nốt cục dưới da. Mụn trứng cá thường gặp nhất trên mặt, nhưng cũng có thể thấy ở cổ, lưng, ngực, vai và cánh tay

Các dạng mụn trứng cá thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tuy nhiên cũng có thể gặp ở những lứa tuổi khác. Thông thường mụn trứng cá sẽ tự hết sau vài năm mà không cần điều trị. Mụn trứng cá có thể gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân. Mụn trứng cá không điều trị có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Để tránh sẹo do mụn trứng cá gây ra, điều trị mụn trứng cá là cần thiết. Những vết sẹo này có thể xóa được bởi bác sĩ Da liễu.

Mụn trứng cá được tạo ra như thế nào ?

Vệ sinh kém,thức ăn…không phải là nguyên nhân gây mụn trứng cá
Testosterone, là một hóc môn có cả ở nam và nữ, tăng trong suốt giai đoạn dậy thì và kích thích những tuyến bã lớn ra, sinh nhiều chất nhờn .Chất nhờn nhiều trở nên dày dính và hình thành nút chặn lỗ chân lông.Vi khuẩn sống trong nang lông hoặc chất nhờn gây ra sưng, đỏ,mủ và đưa đến kết qủa cuối cùng là tạo ra những tổn thương đa dạng trên da

Các dạng mụn trứng cá

Mụn đầu trắng, đầu đen hay mụn mủ thường gặp ở thanh thiếu niên.
Mụn trứng cá sớm xuất hiện ở trẻ nhỏ được gọi mụn trứng cá trước tuổi dậy thì. Mụn trứng cá nặng và tạo thành những cục có chứa mủ ở dưới da được gọi là mụn trứng cá nang; dạng này thường gặp ở nam. Dạng mụn trứng cá ở người trưởng thành có thể liên quan tới hóc môn, có thai, mãn kinh hay ngừng uống thuốc ngừa thai. Dạng mụn trứng cá nặng ở nữ trưởng thành xuất hiện lúc có kinh và rụng trứng hoặc trong suốt chu kỳ kinh nguyệt nên được điều trị.

Trứng cá nhẹ khi chỉ có mụn đầu đen hoặc đầu trắng; trung bình khi có thêm một số mụn mủ, cục; nặng khi nổi thêm nhiều cục, nang đau nằm sâu dưới da






Rửa mặt

Có rửa mặt hay không cũng không ảnh hưởng đến mụn trứng cá. Tuy nhiên, cách tốt nhất là nên rửa mặt với chất tẩy rửa nhẹ với nước ấm hàng ngày. Việc rửa mặt quá thường xuyên và chà xát quá mạnh có thể làm cho mụn trứng cá nặng thêm.

Chế độ ăn uống
Thức ăn không gây ra mụn trứng cá. Tuy nhiên, dường như có vài loại thức ăn làm mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn. Nên tránh các thức ăn có đường, ngọt, béo….

Mỹ phẩm
Tốt nhất là không dùng mỹ phẩm trong thời gian bị mụn trứng cá. Nếu cần thiết dùng một ít mỹ phẩm có thể chấp nhận được, chẳng hạn như những chất làm ẩm da hay mỹ phẩm không có dầu, tan trong nước. Nên chọn những sản phẩm “non-comedogenic” (không gây ra mụn đầu trắng hay đầu đen) hoặc “non-acnegenic” (không gây mụn trứng cá). Nên nhớ phải rửa mặt vào mỗi buổi tối để tẩy các mỹ phẩm đã dùng với xà phòng hay chất tẩy rửa nhẹ với nước
Dung dịch chứa thuốc điều trị mụn trứng cá có màu da người có thể che vết tích do mụn gây ra một cách an toàn. Dạng phấn xốp kết hợp với hoạt chất không chứa dầu có thể dùng được.
Lưu ý nên che mặt lại khi dùng gel hay chai xịt tóc

Điều trị
Điều trị mụn trứng cá là một quá trình liên tục. Mục đích điều trị mụn trứng cá là phải ngăn những đợt mụn mới bộc phát. Những vết tích do mụn trứng cá gây ra cần phải được chữa lành và được cải thiện theo thời gian. Nếu mụn trứng cá không được cải thiện sau 2-3 tháng điều trị, cần phải thay đổi phác đồ khác theo ý kiến của bác sĩ Da liễu
Đôi khi, những phát ban do mụn trứng cá có thể do những nguyên nhân khác như dùng mỹ phẩm, một số dung dịch hay một số thuốc uống. Khá nhiều những dung dịch hay kem bôi (không cần toa bác sĩ) có thể gây ra mụn trứng cá nhẹ hoặc làm da trở nên khô hơn, do đó cần đọc chỉ dẩn sử dụng một cách cẩn thận

Thuốc dùng tại chỗ
Bác sĩ Da liễu của bạn có thể kê một loại kem, gel, hay dung dịch bôi có chứa chất giống vitamine A, benzoyl peroxide, hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy. Bác sĩ Da liễu sẽ cho bạn những lời khuyên về cách sử dụng thuốc an toàn và làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ
Nếu bạn dự định sẽ mang thai, hay đang có thai hay cho con bú, nên thông báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ một thuốc nào (kể cả thuốc bôi)
Không nên cạy, gãi, móc, nặn mụn vì khi được nặn ra, chúng sẽ trở nên viêm đỏ hơn, sưng tấy lên, và có thể để lại sẹo

Đường uống
Những kháng sinh uống như: tetracycline, doxycycline, minocycline, azithromycine hay erythromycine thường được kê toa. Có thể dùng thuốc viên ngừa thai nhưng phải theo dõi thận trọng tác dụng phụ

Những phương pháp trị liệu khác
Trong những trường hợp mụn trứng cá nặng không đáp ứng với điều trị, isotretinoin có thể được dùng. Những bệnh nhân dùng isotretinoin cần phải biết những tác dụng phụ của thuốc này. Theo dõi thường xuyên trong những lần tái khám là cần thiết. Khi dùng thuốc này không được có thai, vì thuốc có thể gây quái thai
Nữ giới cũng có thể dùng hóc môn sinh dục nam hoặc những thuốc làm giảm hóc môn sinh dục nam nhằm giúp cải thiện tình trạng mụn
Liệu pháp ánh sáng quang học với bước sóng có ánh sáng xanh có thể giúp ích trong điều trị mụn trứng cá

Mụn trước điều trị

Mụn sau 6 tháng điều trị

Bác sĩ Da liễu của bạn sẽ đánh giá tình trạng mụn trứng cá của bạn và khuyến cáo những công thức điều trị thích hợp; tùy vào tuổi, giới, dạng mụn trứng cá mà bạn mắc phải

BS Hoàng Văn Minh - ĐHYD

Phát hiện sớm bệnh ung thư vú



UNG THƯ VÚ là loại ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ, là cách tốt nhất để điều trị có hiệu quả loại ung thư này.
Tại sao phải biết tự khám vú ?
Tự khám sẽ giúp bạn phát hiện sớm ung thư vú.
Khi phát hiện bất kỳ thay đổi khác với bình thường nào bạn nên nhanh
chóng thu xếp thời gian đến khám tại phòng khám chuyên khoa về vú
Bạn tự khám vú lúc nào và nơi nào là thích hợp nhất ?
Tốt nhất là bạn khám sau khi hành kinh, lúc mô vú mềm mại nhất. Nếu bạn đã mãn kinh thì nên tự khám định kỳ hàng tháng. Bạn hãy tự khám vú đều đặn mỗi tháng 1 lần.

Sau đây là những hướng dẫn về cách tự khám vú:
Cởi trần đứng trước gương, 2 tay xuôi tự nhiên theo thân người. Nhìn thật kỹ vào ngực để quan sát đặc điểm của da, độ lớn nhỏ của vú, hình dạng núm vú.

Bước 1: Ở tư thế xuôi 2 tay
Cởi trần đứng trước gương, 2 tay xuôi tự nhiên theo thân người. Nhìn thật kỹ vào ngực để quan sát đặc điểm của da, độ lớn nhỏ của vú, hình dạng núm vú.
Nhìn thật kỹ để tìm những thay đổi bất thường như: dấu hiệu sưng nề của da giống như vỏ quả cam, vùng đỏ da, vùng lõm da, núm vú bị biến dạng hoặc bị kéo lệch hoặc bị tụt vào.

BSE2a.JPG (26777 bytes)

Bước 2: Ở tư thế đưa 2 tay lên đầu
Bạn đứng ở tư thế đưa cao 2 tay lên đầu hơi gập người về phía trước. Động tác này giúp cho bộ ngực của bạn đưa ra trước và giúp bạn dễ nhìn hơn.
Hãy nhìn thật kỹ hình dáng bên ngoài của hai vú và lưu ý những dấu hiệu bất thường như ở bước 1.


Bước 3: ở tư thế một tay đưa lên đầu
Đưa một tay lên đầu và khám ngực bằng tay còn lại. Dùng 3 ngón tay xòe thẳng xoa nhẹ lên tuyến vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa xoa vừa di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc

Khi sờ thấy một vùng nào đó bất thường thì nên kiểm chứng vùng tương tự ở vú bên kia xem có giống hay không? Nếu giống là điều bình thường, bởi vì tuyến vú luôn luôn đối xứng với nhau cả về hình dạng bên ngoài lẫn cấu tạo bên trong.

Sau đó, bạn tiếp tục khám lên cao ở vùng nách, vì tuyến vú kéo dài đến tận vùng nách. Sau cùng dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nặn nhẹ núm vú xem có chảy nước vàng hoặc máu không?




Bước 4: ở tư thế đứng chống nạnh
Bạn ở tư thế đứng chống nạnh, hơi gồng người một chút. Động tác này làm căng cơ ngực khiến cho hình dáng bên ngoài tuyến vú nổi rõ hơn.
Hãy kiểm tra cẩn thận mỗi bên vú trong các tư thế này để có thể phát hiện ra những bất thường nếu có. Nếu mới bắt đầu tự khám vú thì có thể khám nhiều lần. Nếu không có dấu hiệu bất thường nào thì ngực của bạn là bình thường.

Bước 5: ở tư thế nằm có độn gối hoặc khăn dưới vai

Thực hiện lại động tác khám giống như khám khi đứng, không để sót phần nào của vú, kể cả ở nách. Khi khám xong một bên thì tiếp tục khám vú bên kia.


Bạn phải làm gì khi phát hiện bất thường ở vú
Việc tự khám vú không đồng nghĩa là
tự chẩn đoán bệnh của mình.
Khi phát hiện được một khối trong vú
hoặc có những bất thường về da hoặc có chảy máu hoặc chảy nước vàng ở núm vú thì:
- Đừng hoảng sợ, vì đó cũng có thể
chỉ là biểu hiện của các bệnh lành tính của vú.
- Hãy đến khám ngay tại một phòng
khám chuyên khoa về vú.
- Tuyệt đối không được đắp bất cứ lá hay thuốc gì lên vú

Theo www.bvdaihoc.com.vn

7 cơn đau không nên coi thường

Đây là những cơn đau có thể rất bình thường và hay gặp phải, nhưng đôi lúc chúng sẽ trở nên tồi tệ, không thể lường trước được.

Đau lưng dữ dội

Cơn đau trầm trọng và dai dẳng đến mức vô hiệu hóa được tất cả các giải pháp giảm đau thông thường như chườm nóng, nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau…

Tình trạng: Nếu không phải vì tập luyện thái quá, cơn đau lưng dữ dội và bất ngờ có thể là dấu hiệu của chứng phình mạch. Đặc biệt nguy hiểm nếu sự phình mạch xảy ra ở vùng bụng vì có liên quan đến sự suy yếu của động mạch chủ nằm ngay trên thận. Thêm một nguy cơ khác ít xảy ra hơn: có thể người đau đang bị sỏi thận.

Giải pháp: Các chuyên gia sẽ xác định liệu đó có phải là chứng phình mạch không. Nếu có, người bệnh sẽ được điều trị bằng các thuốc chuyên về huyết áp hoặc phẫu thuật để thay thế mạch nhân tạo.

Thường xuyên đau bàn chân hoặc cẳng chân

Đau ở phần đầu bàn chân hoặc mặt trước cẳng chân sẽ nguy hiểm hơn so với bình thường nếu đau cả khi vận động nhiều lẫn lúc nghỉ ngơi mà các thuốc giảm đau không mang lại tác dụng gì.

Tình trạng: Có thể đó là dấu hiệu của sự rạn nứt xương. Hệ xương, giống như tất cả các mô khác trong cơ thể, luôn có khả năng tự phục hồi, nhưng nếu ai tập luyện quá sức đến nỗi xương không còn cơ hội tự phục hồi nữa thì sự rạn nứt xương rất có thể sẽ xảy ra.

Giải pháp: Bằng các biện pháp như chụp X quang, các chuyên gia sẽ phát hiện đúng bệnh tình và cho lời khuyên cùng hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Đau nhói ở vùng bụng

Cơn đau dữ dội tưởng chừng như có dao hay vật sắc nhọn đâm trong ruột.

Tình trạng: Vùng bụng chứa rất nhiều cơ quan khác nhau nên cơn đau có thể là dấu hiệu của chứng viêm ruột thừa, viêm tuyến tụy, viêm túi mật hoặc bàng quang. Ba trường hợp sau có thể dẫn đến nguy cơ xấu nhất.

Giải pháp: Nếu cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới bên phải và lượng bạch cầu trong cơ thể tăng thì có thể là triệu chứng viêm ruột thừa. Nếu cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên thì túi mật hoặc bàng quang có vấn đề. Do đó, cần nhanh chóng đến bệnh viện xét nghiệm cho chính xác.

Thỉnh thoảng đau ngực

Cơn đau có thể rất thoáng qua, đến nỗi gần như không gây sự chú ý và không có cảm giác nguy hiểm.

Tình trạng: Đây có thể là dấu hiệu của chứng khó tiêu, nhưng cũng có thể là triệu chứng của cơn đau tim. Tuy chỉ xuất hiện thỉnh thoảng và ngắn, nhưng các cơn đau này có thể gây ra nhiều nguy hiểm. Một cục máu (xuất hiện vì máu bị vón cục) có thể chặn đứng động mạch vành, khiến lưu lượng máu dồn đến tim bị cắt giảm. Đã có khoảng 50% trường hợp tử vong do đau tim xảy ra chỉ sau ba đến bốn giờ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Giải pháp: Nhanh chóng xét nghiệm máu và tim mạch, đặc biệt là người có tiền sử về bệnh này.

Đau chân kèm theo sưng

Không chỉ đau và sưng, da chân còn nóng hơn những vùng da khác trên cơ thể.

Tình trạng: Có thể chứng huyết khối đang xảy ra ở chân. Các cục máu này có thể làm tắt nghẽn các tĩnh mạch ở bắp chân, gây đau và sưng. Khi gặp phải tình trạng này, người ta lại muốn chà xát hay kỳ cọ đôi chân, khiến cho tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn. Có trường hợp cục máu lớn đi đến tận phổi và người đau bị tử vong.

Giải pháp: Nhanh chóng đến bệnh viện nhờ bác sĩ can thiệp vẫn là giải pháp bạn không nên bỏ qua.

Đau ở vùng háng bất ngờ

Tuy không quá dữ dội, song cơn đau này cũng khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và đôi lúc kèm theo hiện tượng sưng to.

Tình trạng: Cơn đau này rất có thể là dấu hiệu của chứng xoắn tinh hoàn. Thông thường, tinh hoàn ở nam giới được “gắn kết” với cơ thể bằng các dây thừng tinh (spermatic cord) nối dài tới khoang bụng, và được hỗ trợ “giữ cố định” bởi nhiều dây chằng khác nằm xung quanh bìu. Cũng có trường hợp do khiếm khuyết bẩm sinh nên các dây chằng này không có mặt, khiến các dây thừng tinh có nguy cơ bị xoắn, mà điều này cũng đồng nghĩa với việc lưu lượng máu dồn đến tinh hoàn bị tắc nghẽn. Nếu vô tình để cơn đau này kéo dài từ 12 đến 24 giờ, rất có thể người bệnh sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn!

Giải pháp: Nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám bằng cách siêu âm và có thể bạn sẽ được dùng kháng sinh để chống viêm nhiễm. Trường hợp bị xoắn tinh hoàn, một cuộc phẫu thuật sẽ là cần thiết sau đó là việc ghép thêm các dây chằng nhân tạo ở bìu.

Đau khi tiểu tiện

Khi tiểu tiện, nếu thường cảm thấy hơi đau hoặc thậm chí đau buốt và nước tiểu thỉnh thoảng bị lẫn máu thì xin hãy coi chừng.

Tình trạng: Có thể bàng quang đang có vấn đề nghiêm trọng, thậm chí bị ung thư. Đau khi tiểu tiện và nước tiểu có lẫn máu là hai triệu chứng nguy hiểm của người nghiện thuốc lá. Nếu phát hiện sớm thì có khoảng 90% cơ hội thay đổi được tình thế. Ngoài ra, sự viêm nhiễm bàng quang cũng thường bao gồm các triệu chứng tương tự như trên.

Giải pháp: Không nên xem thường và bỏ qua tình trạng này. Trường hợp xấu nhất là có sự xuất hiện của các khối u trong bàng quang và phải điều trị bằng phẫu thuật, dùng tia phóng xạ hoặc hóa trị.

Bệnh lý suy TM mạn tính


1. Giãn tĩnh mạch chân là gì?

Là tình trạng tĩnh mạch nông ở chân bị giãn có thể khiến cho máu chạy theo những đường ngược nhau.
Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương.

2. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao:
Trên thế giới tỷ lệ nam mắc bệnh này là 1%, trong khi đó ở nữ là 4,5%. Tần suất mắc bệnh ở tuổi lao động là 35%, ở tuổi nghỉ hưu là 50%.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh gấp 3 lần nam giới.

Những phụ nữ làm việc văn phòng là những người dễ mắc bệnh này hơn cả. Vì họ thường xuyên phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu. Cùng với đó là việc đi giày cao gót và tăng trọng lượng cơ thể càng làm nguy cơ mắc bệnh tăng lên.
Nguy cơ mắc bệnh lớn nữa thuộc về phụ nữ mang thai, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị phù chân là 50%, còn tỷ lệ bị giãn tĩnh mạch chân là 20 – 30%.


3.Triệu chứng:
Những triệu chứng bệnh biểu hiện rõ vào mùa hè, khi phải đứng lâu, người bệnh sẽ thấy chân nằng nặng, cảm giác như kiến bò ở chân. Đó là hậu quả của việc ứ máu trong tĩnh mạch.

Khi bệnh nặng hơn, bạn sẽ thấy da chân lộ ra những sợi tĩnh mạch màu xanh hoặc tím, thậm chí là những búi cuộn tĩnh mạch. Những cuộn tĩnh mạch này sẽ phồng lên khi bạn đứng hay di chuyển và xẹp xuống khi bạn nằm.

4. Nguyên nhân:
- Di truyền có vai trò lớn trong những nguyên nhân mắc giãn tĩnh mạch chân. Theo thống kê có 80% bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân mãn tính có cha hoặc mẹ mắc bệnh.
- Giới tính cũng cho thấy nguy cơ bệnh cao hơn. Thường nữ mắc bệnh nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
- Tăng trọng quá mức cũng là một nguyên nhân chủ yếu do tác động lên đôi chân khiến máu bị dồn về phía chân và trào ngược do gia tăng áp lực từ ổ bụng.
- Thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ.
- Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa, các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương v.v…
- Những người ăn theo chế độ nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.

5. Phòng tránh bệnh như thế nào?
-Không đứng hay ngồi một chỗ quá lâu.
- Không để trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong một thời gian ngắn.
- Khi nghỉ ngơi, nên để chân cao hơn ngực, gác chân cao khi đi ngủ.
- Ăn nhiều rau, củ, quả và uống nhiều nước để chống táo bón.
- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày 15 phút.
- Tăng cường vận động hô hấp: Hít thở sâu và đúng.
- Xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm.
- Tránh đi giày cao gót.
Khi phát hiện ra các triệu chứng mắc bệnh cần phải đến bệnh viện ngay. Ở Việt Nam, 70% các trường hợp mắc bệnh không biết mình có bệnh, vì vậy chỉ khi bệnh đã có những biến chứng mới đi điều trị.

6. Biến chứng của giãn tĩnh mạch:
- Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
- Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
- Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

7. Các phương pháp chữa trị hiện nay



- Dùng băng ép và tất ép
Mục đích là để tạo áp lực lớn ở phía dưới, áp lực nhỏ ở phía trên và giảm đường kính lòng mạch, giúp máu tĩnh mạch lưu thông về phía trên dễ dàng hơn. Hai dụng cụ này được sử dụng để dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính, hỗ trợ cho các biện pháp điều trị nội khoa và phòng ngừa tái phát.
- Dùng thuốc
Dùng thuốc trợ tĩnh mạch và chống đông máu theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị bằng thủ thuật và ngoại khoa:



+) Chích xơ:
Tĩnh mạch bao gồm ba hệ thống: nông, sâu và xuyên. Chích xơ chỉ dùng trong trường hợp tổn thương hệ thống tĩnh mạch xuyên. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây xơ hóa toàn bộ tĩnh mạch. Bệnh nhân được chích xơ nhiều lần cho đến khi không còn giãn tĩnh mạch nữa.



+) Mổ cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn.:
Phẫu thuật kéo dài khoảng 5-10 phút, được áp dụng cho trường hợp tổn thương tĩnh mạch nông. Bác sĩ rạch ở mắt cá trong và nếp bẹn rồi luồn một dụng cụ có tên Stripper từ dưới mắt cá trong đi lên trên nếp bẹn để lôi toàn bộ tĩnh mạch bị giãn ra..
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được băng ép toàn bộ chi và nằm bất động trên giường ba ngày.

Saturday, September 27, 2008

Tìm hiểu về tật nghiến răng

Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng của hệ thống nhai. (gọi là hoạt động cận chức năng là vì cũng là hoạt động của hệ thống nhai với sự tham gia của tất cả các yếu tố thần kinh – cơ, nhưng không nhằm mục đích thực hiện chức năng). Nghiến răng xảy ra khá phổ biến, chiếm 10% dân số trưởng thành. Thường người bệnh không biết mình có nghiến răng vì nó chỉ xảy ra lúc ngủ. Bệnh nhân thường chỉ đi khám bệnh vì những hậu quả của nghiến răng gây ra hơn là triệu chứng nghiến răng, mặc dù triệu chứng nghiến răng gây khó chịu rất nhiều cho người thân. Nghiến răng là vấn đề còn đang tranh cãi rất nhiều, ngay cả định nghĩa về nghiến răng cũng như những tiêu chuẩn về chẩn đoán vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Những vấn đề trình bày ở đây là những ý kiến đúc kết từ các concensus về nghiến răng (tức nghiên ý kiến được đồng tình nhiều nhất).

Mặc dù nghiến răng có nguyên nhân chủ yếu là từ bệnh học thần kinh, nhưng triệu chứng lâm sàng của nghiến răng chủ yếu thể hiện ở hệ thống nhai, bao gồm các triệu chứng ở răng, mô nha chu, cơ nhai và khớp thái dương hàm. Và điều trị cho đến nay chủ yếu do Bác sĩ nha khoa phụ trách.

Biểu hiện ở răng và mô nha chu:

1. Mòn răng:

Tùy mức độ nghiến răng, thời gian nghiến răng và đô cứng mô răng mà mức đô mòn răng là nhiều hay ít. Nhiều trường hợp các răng cối mòn đến lô tủy, các răng cửa mòn đến :hơn 2/3 chiều cao của răng.

2. Nứt, gãy răng:

Nứt gãy răng cũng là một dấu hiệu của nghiến răng. Cường độ lực cao, tác động lên những vùng mất cấu trúc chịu lực của răng là nguyên nhân của gãy nứt. Tình trạng gãy, nứt có thể khu trú ở phần thân răng, hoặc lan xuống chân răng. Trường hợp nứt, gãy rõ ràng có thể thấy dễ dàng, nhưng cũng có nhiều trường hợp rất khó chẩn đoán. Dấu hiệu duy nhất của những trường hợp này là ê buốt không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ nha khoa ít kinh nghiệm cũng rất dễ bỏ sót những trường hợp này.

3. Ê buốt răng:

Có thể do mòn răng hoặc gãy, nứt răng. Nếu kiểm tra không thấy mòn răng thì cần phải xem xét có tình trạng gãy nứt xảy ra hay không.

4. Lung lay răng:

Nếu mô nha chu suy yếu, nghiến răng có thể biểu hiện bởi tình trạng lung lay răng. Trên phim X quang sẽ có dấu hiệu tiêu xương.

Biểu hiện ở hệ thống cơ nhai:

Biểu hiện chủ yếu trên hệ thống cơ nhai là tình trạng đau cơ. Do co thắt với cường độ mạnh, các sản phẩm thoái biến sinh ra không kịp đào thải, còn ứ đọng trong cơ gây nên đau cơ. Một số trường hợp có thể có dấu hiệu phì đại cơ nhai.
Cơ nhai bị ảnh hưởng rõ ràng và dễ thấy nhất là cơ cắn, do vậy, bệnh nhân thường sẽ có cảm giác đau âm ỉ hai bên vùng má, gần góc hàm.

Biểu hiện ở khớp thái dương hàm :

Khớp thái dương hàm cũng bị quá tải trong trường hợp nghiến răng. Lực nhai gây ra sẽ tác động vào hệ răng và khớp thái dương hàm. Lực tác động lên răng làm mòn răng, gãy nứt răng, lung lay răng… đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp. Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biều hiện khác nhau: đau khớp, tiếng kêu vùng khớp, rối loạn vận động (há miệng lệch, há miệng hạn chế…)

Biểu hiện khác:

Ngoài những triệu chứng chủ yếu ở bộ máy nhai đã nêu, bệnh nhân còn có thể có dấu hiệu đau đầu, cùng những biểu hiện về tâm lý như lo lắng, căng thẳng…

Và với tất cả các triệu chứng trên chúng ta đều cần phải được khám và điều trị.

Vấn đề nguyên nhân của nghiến răng gây khá nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Hiện tại, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng rằng nghiến răng do nhiều nguyên nhân khác nhau phối hợp gây ra, bao gồm các yếu tố tại chỗ (rối loạn khớp cắn), yếu tố tâm lý (stress, lo âu, căng thẳng…) và yếu tố bệnh lý thần kinh. Trước đây, yếu tố tại chỗ được xem là yếu tố chính gây ra nghiến răng, rồi sau đó cho rằng yếu tố tâm lý mới là nguyên nhân, nhưng những nghiên cứu gần đây lại cho rằng yếu tố bệnh lý thần kinh lại là yếu tố chính.

Yếu tố tại chỗ

Vướng cộm khớp cắn được cho là nguyên nhân của nghiến răng trong một thời gian dài. Hãy tưởng tượng từng cặp răng như từng cặp cối xay. Hệ thống răng sẽ bao gồm nhiều cặp cối xay và chúng phải hoạt động đồng bộ với nhau. Vướng cộm khớp cắn làm cản trở hoạt động đồng bộ này và nghiến răng là một cách phản ứng của cơ thể nhằm loại bỏ những vướng cộm này. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng những vướng cộm khớp cắn không phải là nguyên nhân chính của nghiên răng. Nghiên cứu so sánh những người nghiến răng cho thấy không phải ai cũng có vướng cộm khớp cắn. Và ngược lại, rất nhiều người có vướng cộm khớp cắn nhưng không hề có nghiến răng. Đồng thời cũng không có nghiên cứu nào chứng minh được rắng vướng cộm khớp cắn là nguyên nhân của nghiến răng. Như vậy, vai trò của nó (nếu có) chỉ là vai trò phụ, chứ không phải là vai trò chính.

Yếu tố tâm lý

Yếu tố tâm lý cũng được cho là nguyên nhân ủa nghiến răng trong một thời gian. Những người nghiến răng thường hay lo lắng. Và nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy stress cũng là một yếu tố quan trọng ở những người nghiến răng. Tuy nhiên những nghiên cứu chủ yếu thuộc loại nghiên cứu phỏng vấn. Những nghiên cứu gần đây, sử dụng điện cơ đồ, điện não đồ, điện tâm đồ phối hợp trong nghiên cứu giấc ngủ cho thấy rằng thực sụ không có liên quan giữa stress và nghiến răng. Chỉ có yếu tố lo lắng là có ý nghĩa thống kê trong lien quan với nghiến răng.
Yếu tố bệnh học thần kinh

Yếu tố bệnh học thần kinh ngày càng được lưu ý nhiều hơn và được xem là nguyên nhân chính của nghiến răng. Ví dụ như nghiến răng có liên quan đến những rối loạn giấc ngủ, những thay đổi sinh hóa trong não, một số thuốc, sau chấn thương sọ não, nghiện rượu, hút thuốc… và ngay cả yếu tố di truyền hiện nay cũng xếp vào nhóm này.
Nghiến răng chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ, và có liên quan mật thiết đến đáp ứng tỉnh thức (arouse response) của cơ thể. Những ghi nhận liên quan giữa nghiến răng và đáp ứng tỉnh thức cho thấy 86% trường hợp nghiến răng xảy ra trong giai đoạn này. Đáp ứng tỉnh thức đặc trưng bởi giấc ngủ kém sâu, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng và có những vận động như xoay người, co chân, co tay… trong khi ngủ. Mớ, mộng du… cũng là những hiện tượng xảy ra trong giai đoạn này. Những hiện tượng này còn gọi là hiện tượng cận giấc ngủ (parasomnia) và nghiến răng cũng được xem là một hiện tượng cận giấc ngủ.
Đặc biệt những nghiên cứu gần đây xác nhận có sự liên quan giữa rối loạn hệ thống dẫn truyền thần kinh trung ương với nghiến răng. Khả năng là có tình trạng mất cân bằng giữa các đường dẫn truyền trực tiếp và gián tiếp trong hạch nền, nơi tập trung những nhân dưới vỏ có nhiệm vụ phối hợp và điều hòa các động tác. Sự mất thăng bằng là do rối loạn vận chuyển các dẫn xuất dopamine gây nên. Phát hiện này giải thích cho rất nhiều trường hợp nghiến răng do sử dụng thuốc lắc (ectasy), nghiện thuốc lá, hoặc một số thuốc điều trị bệnh tâm thần hay bệnh thần kinh gây ra. Amphetamine (ectasy) có tác dụng làm gia tăng nồng độ dopamine trong não, hoặc nicotine (trong thuốc lá) lại có tác dụng kích thích hệ dopaminergic…đã giúp giải thích những ghi nhận liên quan giữa người hút thuốc lá hay sử dụng amphetamine với nghiến răng.

Yếu tố di truyền

Trước đây di truyền cũng được xem là nguyên nhân của nghiến răng. Nghiên cứu với cỡ mẫu lớn nhất về liên quan giữa di truyền và nghiến răng là của CHRISTER HUBLIN và cộng sự (1998) dựa trên phỏng vấn (questionnaire) trên 1298 cặp sinh đôi cùng trứng và 2419 cặp sinh đôi khác trứng từ 33 đến 60 tuổi. Tỉ lệ nghiến răng xảy ra liên quan đến di truyền chiến 39 – 64%. Tuy nhiên, Michalowicz và cộng sự thực hiện nghiên cứu trên 250 cặp sinh đôi bằng cách phỏng vấn và nghiên cứu lâm sàng lại cho kết quả ngược lại. Do vậy, vẫn chưa thể kết luận được là di truyền có liên quan đến nghiến răng hay không.

Có 2 cách điều trị được áp dụng hiện nay là điều trị thuốc và điều trị bằng khí cụ miệng.

Điều trị thuốc:

Thuốc được sử dụng trong điều trị nghiến răng có thể là thuốc uống, thoa thoa và thuốc chích. Thuốc uống là loại thuốc có tác dụng giảm lo âu như buspirone, thường sử dụng trong trường hợp nghiến răng là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Những trường hợp nghiến răng khác không nên sử dụng thuốc này.
Thuốc chích là một loại thuốc có tác dụng làm liệt cơ: Botox (thường sử dụng trong thẩm mỹ để xóa nếp nhăn). Thuốc này sử dụng chích vào cơ cắn có tác dụng trong vòng 4 – 6 tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một giải pháp khá hiệu quả trong nhiều trường hợp, như sau chấn thương, lạm dụng amphetamine (thuốc lắc)…
Thuốc thoa là một hỗn hợp gồm các thuốc dãn cơ, kháng viêm, an thần với thành phần chính gồm : cyclobezaprin, có tác dụng làm giảm co thắt cơ, kết hợp với kháng viêm loại nonsteroid (keto-profen) cùng với an thần là diazepam. Thuốc này được thử nghiệm có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp. Đây là một loại thuốc mới, đăng lý bản quyền vào tháng 10/2003.

Điều trị bằng khí cụ miệng

Điều trị khí cụ miệng (máng nhai) đã được thực hiện từ lâu với những hiệu quả được chứng minh trên lâm sàng. Mục đích của máng nhai nhằm làm giảm khả năng mòn răng, gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Đồng thời, máng nhai cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Việc điều trị nghiến răng bằng máng nhai đòi hỏi phải mang máng nhai trong một thời gian dài. Và khi không mang máng nhai, người ta thấy nghiến răng xuất hiện trở lại. Cho đến nay máng nhai vẫn là phương pháp chính trong điều trị nghiến răng trên thế giới. Tuy nhiên, không phải máng nhai hiệu quả trong tất cả các trường hợp nghiến răng (Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy máng nhai không có hiệu quả trong một số trường hợp).

Nghiến răng không chỉ gây khó chịu cho người thân mà còn gây những tổn hại ngay chính người bệnh. Những tổn hại này cần phải được ngăn ngừa trước khi quá muộn. Hãy đến các BS chuyên khoa đề được khám và tư vấn điều trị ở giai đoạn sớm là giải pháp tối ưu. Một ngành chuyên sâu nghiên cứu và điều trị nghiến răng trong ngành nha khoa là chuyên khóa cắn khớp học. Tuy nhiên, hiện nay, chuyên ngành này chưa phát triển lắm ở Việt nam.

Thạc sĩ Trần Ngọc Quảng Phi (chuyên mục sức sống mới VTV2- 10/07/2007)

Friday, September 26, 2008

Phác hoạ hàm khung

Sự phác họa hàm khung không khó nếu chúng ta để ý đến các yếu tố sau:

1-Phân loại hàm khung dựa trên yếu tố sinh - cơ học tức là xem trường hợp mất răng thuộc loại nào; một cách tổng quát HK có thể được xếp thành hai loại:

-HK được nâng đỡ bởi các răng (tooth born) thí dụ như bệnh nhân mất các răng cối nhỏ và răng cối thứ nhất, chỉ còn lại các răng cửa và hai răng cối thứ hai ở đầu tận cùng bên trong, HK hầu như không có sự chuyển động đáng kể vì nó hoàn toàn tựa lên các răng trụ. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng bất cứ loại móc nào cho các răng trụ.

-HK được nâng đỡ bởi răng và sóng hàm (tooth and tissue born) một thí dụ trường hợp bệnh nhân mất hết các răng cối, khi đó dưới tác dụng của lực nhai nền hàm sẽ bị lún xuống do sự đàn hồi của niêm mạc sóng hàm, khi bị lún xuống ở phía sau và vững ở phía trước thì hàm giả sẽ xoay quanh một trục tưởng tượng nối liền hai tựa mặt nhai của hai răng trụ tận cùng, trong trường hợp này là hai răng cối nhỏ thứ hai. Trong trường hợp này bạn nên sử dụng các lọai móc ngắt lực thí dụ như móc RPI, RPC, hoặc móc dây; đầu các móc này có tính chất dãn ra hoặc hở ra khỏi bề mặt răng trụ do đó tránh được các lực xoắn có hại cho răng trụ. Nếu bạn sử dụng các loại móc không ngắt lực thí dụ như móc chữ C, chữ T, khi hàm giả chuyển động đầu móc bám chặt vào răng trụ và sẽ có tác dụng như một mỏ kềm nhổ răng trụ lên dần dần, về lâu dài răng trụ sẽ bị lung lay.

2- Các thành phần của hàm khung như nối lớn (major connector), nền nhựa không nên che kín viền nướu cổ răng vì nó sẽ tích tụ mảng bám gây ra sâu răng và bệnh nha chu, viền nướu dọc theo cổ răng cần được để trống để duy trì cơ chế tự làm sạch. Các thành phần khác như nối nhỏ, tay móc cũng không nên làm quá rộng che kín hết cả mặt răng.

3- Các tựa mặt nhai nên được đặt trên các răng ở hai bên vùng mất răng và được phân bố trên một diện rộng để tạo sự vững vàng cho hàm giả thí dụ vừa ở vùng răng cửa vừa ở vùng răng cối.

4- Các loại móc có rất nhiều dạng nhưng tựu trung có thể chia ra hai loại: loại móc ngắt lực và loại móc không ngắt lực. Loại móc không ngắt lực như móc chữ C, chữ T, móc Ney, móc Roach ... Nên chọn loại móc ít che khuất bề mặt răng để tránh sâu răng.

BS Việt Minh Chánh