Wednesday, September 24, 2008

Hiệu ứng dù (umbrella effect)

Trong nha khoa, hiệu ứng dù (umbrella effect) (mà BS Nam không chịu giải thích trong phân tích nguyên nhân gây đen đường viền nướu) là một hiện tượng quang học xảy ra khi ánh sáng gián tiếp phản xạ qua mô nướu từ cấu trúc răng hoặc phục hình (mão răng). Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở vùng răng cửa trên và phụ thuộc vào đặc điểm đường cười (smile line). Ở những trường hợp đường cười cao (high smile line) thì không có hiện tượng này xảy ra do ánh sáng sẽ đi xuyên trực tiếp qua nướu răng (hình 1).

Hình 1: ánh sáng trực tiếp đi xuyên qua mô nướu nên không tạo hiệu ứng dù

Trường hợp bình thường, khi môi trên co lúc cười, ánh sáng bị cản bởi môi trên nên không đi trực tiếp qua nướu răng được. Lúc này, ánh sáng khi xuyên qua mô răng hoặc mão răng vùng cổ che phủ bởi nướu sẽ phản xạ trở lại qua nướu răng làm ánh màu của cấu trúc răng (hay mão răng lên mô nướu (hình 2).

Hình 2: Hiệu ứng dù do ánh sáng gián tiếp phản xạ đi qua mô nướu

Do vậy, khi răng chết tủy, mô răng sậm màu, hoặc thuốc gắn mão trong trường hợp mão nhựa, resin hoặc mạo răng có đường hoàn tất kim loại đều gây nên hiệu ứng dù này. (hình 3, hình 4)

Hình 3: Hiệu ứng dù trên mão sứ kim loại, đặc biệt là vùng kẽ răng

Hình 4: Hiệu ứng dù do mão tạm không che được thuốc gắn

Để khắc phục hiệu ứng dù này, cách duy nhất là làm đường hoàn tất sứ (hình 5, hình 6), chứ không nên làm đường hoàn tất kim loại, dù bất kỳ là kim loại gì. Những trường hợp tái tạo cùi giả bằng kim loại cũng dễ gây nên hiệu ứng này, nếu phần kim loại phía mặt ngoài đi sâu phía nướu răng. Một điều cần lưu ý nữa là nướu càng mỏng sẽ làm hiệu ứng này càng rõ nét hơn.

Hình 5: Đường hoàn tất sứ giúp giải quyết vấn đề hiệu ứng dù


Hình 6: Kết quả của phục hình đường hoàn tất sứ

BS Trần Ngọc Quảng Phi

No comments: