Wednesday, September 24, 2008

Nguyên tắc dính trong Phục Hình Toàn Hàm

Về phục hình toàn hàm, hai nguyên tắc rất quan trọng là dính và vững ổn. Nói đến dính tức nói đến khả năng hít vào sống hàm của nền hàm, và đấy là ở trạng thái tĩnh: dùng tay kéo hàm ra, nếu thấy khó, thì đánh giá là dính tốt. Tính dính do 2 yếu tố: lực căng mặt ngoài và val áp lực âm sinh học (tạo ra nhờ làm vành khít).

1. Lực căng mặt ngoài:

hình thành khi giữa 2 mặt cứng có một lớp chất lỏng. Lực này tỉ lệ thuận với diện tích tiếp xúc, độ nhớt của lớp chất lỏng và tỉ lệ nghịch với bề dày lớp chất lỏng. Thí nghiệm sau minh họa cho lực căng mặt ngoài : trên một khung chữ nhật ABCD, trong đó có một cạnh thanh di động (giả sử là cạnh AB). Trên khung trải một lớp chất lỏng (dính vào 4 thành của khung ABCD). Khi di động mở rộng thanh AB, người ta thấy xuất hiện một lực chống lại sự di chuyển này, tức chống lại lực mở rộng chu vi hình chữ nhật, và lực này được đặt tên là lực căng mặt ngoài. Quay lại phục hình toàn hàm, giả sử chúng ta cắt từng lớp ngang qua nền hàm và sống hàm (gọi là vi phân), chúng ta sẽ thấy giống hệt thí nghiệm nêu trên. Một hình ảnh khác dễ hiểu hơn của lực căng mặt ngoài là khi để hai tấm kính với một ít giữa ở giữa, hai tấm kính này sẽ dính nhau rất chặt. Lực căng mặt ngoài rất quan trọng trong phục hình toàn hàm. Và ở hàm trên sẽ lớn hơn nhiều so với ở hàm dưới (vì diện tích lớn hơn nhiều mà). Do vậy, trên lâm sàng nhiều lúc không cân làm vành khít mà vẫn dính rất tốt. Chỉ lực căng mặt ngoài thôi đã đủ giữ dính hàm trong nhiều trường hợp. Lực căng mặt ngoài này là trời cho đấy các bạn ạ, khi làm toàn hàm nếu sống hàm tốt, nước bọt tốt là mình được biếu không một cái toàn hàm mà không cần suy nghĩ về vấn đề dính của làm giả.

2. Val áp lực âm sinh học:

Tôi thích sử dụng từ này vì nó nói rõ bản chất của vấn đề hơn là nói vành khít. Trước hết để hình dung tại sao val áp lực âm giúp giữ dính 2 vật thể vào nhau, chúng ta hãy quay về một định luật cơ bản trong vật lý: định luật Boi-Mariot, Gay Luxac nói về trạng thái khí của một hệ kín: trong một hệ kín, PV/T = Const, trong đó: P là áp suất, V là thể tích và T là nhiệt độ (độ K), còn Const là một hằng số. Nếu nhiệt độ không đổi thì PV = Const.

Nếu trong hệ kín, khi thể tích tăng, thì áp suất phải giảm mới cân bằng được: xét 2 trạng thái: P1V1 = V2P2.

Nếu V2 tăng, thì P2 sẽ giảm, khi P2 càng giảm lực chống tăng V2 sẽ càng lớn.

Chúng ta lấy một ví dụ cho dễ hiểu: cục hít tường bằng cao su, giữa cục hít và tường là khoảng không, khi kéo cục hít sẽ thấy rất khó do áp lực âm tạo ra do tăng thể tích khoảng không có khuynh hướng chống lại sự tăng thể tích, tức chống lại lực kéo. Một ví dụ khác là trường hợp giác hút (thường thấy bên vệ đường đấy): người ta hơ nóng một lọ thủy tinh rồi ụp lên người (lưng, tay, ngực) Khi nhiệt độ trong lọ giảm xuống sẽ dẫn đến giảm áp suất bên trong lọ, tại nên lực hút vào da. Qua 2 ví dụ trên, ta thấy rằng để tạo được sự thay đổi thề tích cần phải có một đặc điểm: tối thiểu có một diện đàn hồi (cao su trong VD 1, và da trong VD 2). Lực thay đổi tác động lên diện đàn hồi sẽ làm tăng thể tích, từ đó xuất hiện áp suất âm có tác dụng giữ dính. Quay lại phục hình toàn hàm: để áp dụng được định luật này, cần 2 tiêu chuẩn: kín và diện đàn hồi. Như vậy, nền hàm là diện cứng thì diện đàn hồi phải nằm phía sống hàm. cụ thể sẽ là niêm mạc di động, chứ niêm mạc dính (tức nướu dính khi còn răng) sẽ không tạo được diện đàn hồi. Toàn bộ bờ hàm bắt buộc phải nằm ở niêm mạc đàn hồi thì mới có thể tạo được val áp lực âm, và lực này tạo ra bời hoạt động ăn nhai, một hoạt động sinh học nên gọi là val áp lực âm sinh học. Áp dụng vào thực tế, khi làm khay cá nhân cần phải kéo môi má, vận động lưỡi sao cho không cản trở khay, nhằm xác định vị trí bờ khay là phía niêm mạc dính, tuy nhiên khi dùng hợp chất nhiệt dẻo làm bờ hàm (làm vành khít) thì phải đảm bảo là nằm ở niêm mạc di động. Thế nằm ở niêm mạc di động bao nhiều là vừa thì cần lưu ý không cản trở bởi các thắng (môi, má, lưỡi) và hoạt động của cơ là được (cơ mút bám vào xương ổ răng các răng cối: 6,7,8).

Phân biệt tính dính của val áp lực âm sinh và lực căng mặt ngoài

Khi thử khay hay nền hàm, nếu thổi khô nền hàm (hoặc khay), lau khô niêm mạc miệng. Đặt nền hàm (khay) vào, nếu dính tốt thì đó là lực dính do val áp lực âm sinh học. Còn khi có một lớp chất lỏng thì là lực căng mặt ngoài. Tình trạng dính của nền hàm là sự cộng hưởng, phối hợp của 2 yếu tố trên: một yếu tố trời cho và một yếu tố do mình tạo nên, gọi là "thiên nhân hợp nhất" đấy các bạn ạ.

Như vậy, khả năng dính của nền hàm do 2 yếu tố quyết định: lực căng mặt ngoài và val áp lực âm sinh học.

Tầm quan trọng của vành khít:

Trên thực tế, người ta rất ít làm vành khít, kể cả ở Mỹ cũng vậy. Nhiều trường hợp ACE không làm vành khít mà thấy vẫn dính tốt thì nghĩ rằng: ồ, vành khít là cái vớ vẩn, mà sao trong trường bắt học kỹ, quan trọng hóa nó quá vậy?Xin thưa, cái hàm nó dính được là do lực căng mặt ngoài đấy, nhưng đó là cái trời cho. Thử gặp một cái hàm khó xem sao: sống hàm tiêu nhiều, nước bọt loãng. Lúc này trời hổng cho nữa, mới thực sự chứng tỏ tài nghệ của một nha sĩ đấy. Nếu không làm vành khít tốt, chắc là sẽ gặp rắc rối dài dài với bệnh nhân. Như vậy, chuyện nhấn mạnh việc làm vành khít trong trường là hoàn toàn đúng, không có gì đáng ngạc nhiên cả. Cần phải dựa vào sức mình (làm vành khít) chứ chỉ dựa vào cái trời cho (lực căng mặt ngoài) không thì có ngày ôm show. Tuy nhiên, để cải thiện tính dính của hàm người ta vẫn tác động vào cái trời cho ấy được: keo dán hàm. Keo dán hàm giúp tạo ra "một lớp nước bọt keo quánh" để gia tăng lực căng mặt ngoài giúp giữ hàm dính. Cái này mặc dù là nhân tạo, nhưng cũng không phải sức mình. Ở Mỹ, người ta lạm dụng keo này lắm, nếu ACE nào có nhiều bệnh nhân Việt kiều sẽ thấy rất rõ: bệnh nhân nào cũng dùng keo dán hàm. Tìm hiểu kỹ, thì ra bên ấy nha sĩ hầu như rất ít làm vánh khít :qua phỏng vấn bệnh nhân và cả nha sĩ bên đó. Bệnh nhân thì nói rằng bên này làm kỹ quá, bên đó không làm như thế. Còn nha sĩ thì bảo làm vành khít nó không có "production", nghĩa là mất thời gian nhiều nhưng không đẻ ra tiền, cứ keo dán hàm là xong tất tần tật. Mà bệnh nhân nào cũng xài keo dán hàm nên thấy cũng là chuyện bình thường. Cho nên cũng không trách một số nha sĩ mình không thèm làm vành khít.

Vấn đề vững ổn của hàm phục hình là chuyện dài nhiều tập. Một hàm dính là chưa đủ, mà nó còn phải vững ổn nữa. Vững ổn nghĩa là thực hiện những hoạt chức năng tốt mà không bị rớt (ăn nhai, nuốt nói, và nhiều hoạt động chức năng khác).Vấn đề vững ổn phụ thuộc hai yếu tố: cơ và khớp cắn.Yếu tố cơ xét theo bình diện ngang là khoảng trung hòa, còn theo chiều dọc là kích thước dọc.

BS Quảng Phi - Viện RHM

No comments: